Câu hỏi:
Tôi ký hợp đồng lao động với Công ty Hải Hà cuối tháng 9/2012, sau khi đi làm chính thức tại Công ty từ tháng 10/2012, thì Công ty đã đóng bảo hiểm xã hội cho tôi. Đầu tháng 11/2016 tôi có xin Công ty nghỉ phép vì lý do thai quá yếu nhưng Công ty báo lên cắt tiền bảo hiểm của tôi do tôi nghỉ trong khi tôi có xin phép nghỉ và giữa tháng 12/2016 tôi có đi làm lại. Do tôi dự sinh vào 27/05/2017 mà sức khỏe không cho phép nên tôi xin phép làm hết tháng 1/2017, khi đó thai tôi được 6 tháng. Do Công ty báo cắt bảo hiểm của tôi vào tháng 11 và 12 năm 2016 nên Công ty nói tôi phải làm hết tháng 3 hoặc tự đóng bảo hiểm 2 tháng mới được lãnh tiền bảo hiểm thai sản. Nếu tôi nghỉ từ tháng 1 và có giấy phép nghỉ dưỡng thai của bệnh viện thì có được hưởng bảo hiểm không? Mong Luật sư giải đáp giúp tôi.
Trả lời:
Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đến cho chúng tôi, Công ty Luật Tân Hoàng Invest xin được trả lời vấn đề của chị như sau:
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ tại Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.”
Pháp luật đã quy định rõ rằng, đối với lao động nữ muốn hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì phải tham gia Bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, khi người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội không bắt buộc phải tham gia liên tục trong 06 tháng. Có nghĩa là trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con chị chỉ cần tham gia Bảo hiểm xã hội ít nhất là 06 tháng là được.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định rằng, người lao động đã tham gia Bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng Bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con..
Theo như thông tin chị đưa ra, tính đến thời điểm hiện nay chị đã tham gia Bảo hiểm xã hội được hơn 4 năm. Trong trường hợp chị muốn hưởng chế độ thai sản khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng Bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên và đóng Bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng Bảo hiểm xã hội trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con và có chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền phải nghỉ việc để dưỡng thai thì chị sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Trong trường hợp cần tư vấn thêm, khách hàng có thể liên hệ với Luật sư của Luật Tân Hoàng Invest để được tư vấn.
Bài viết liên quan khác
Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch đầu tư tại các quận huyện
Doanh Nghiệp Tư Nhân Là Gì? Tổng quan pháp lý về loại hình doanh nghiệp này
Doanh nghiệp nhà nước là gì vai trò và tầm quan trọng với nền kinh tế
Trách nhiệm pháp lý là gì? các đặc điểm và phân loại của nó
Điều kiện để được công nhận tư cách pháp nhân là gì?
Ý nghĩa và nội dung của ngày pháp luật việt nam 09/11
Mẫu hợp đồng lao động 2024 chuẩn theo Bộ luật Lao động mới nhất
Pháp lý doanh nghiệp là gì và tại sao nó quan trọng