Loại hình doanh nghiệp là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong giới kinh doanh. Sự ra đời của các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Vậy, các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm những loại nào? Ưu – Nhược điểm của các loại hình này ra sao? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để được đội ngũ luật sư Tân Hoàng giải đáp chi tiết.
Các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam gồm những loại nào?
Luật doanh nghiệp 2020 đã thể hiện rõ hiện nay ở Việt Nam có 5 loại hình doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần, Công ty hợp danh, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên, Công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên và Doanh nghiệp tư nhân. Dưới đây là thông tin cụ thể về từng loại hình doanh nghiệp!
1. Doanh nghiệp tư nhân
Khái niệm
- Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm về toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của công ty. Chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân là một cá nhân. Loại hình doanh nghiệp này không có tư cách pháp nhân.
Ưu điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân
- Chỉ do 1 cá nhân làm chủ nên được toàn quyền quyết định mọi hoạt động kinh doanh của công ty;
- Vốn của công ty do chủ sở hữu tự đăng ký và không cần phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp tư nhân dễ dàng chiếm được lòng tin từ đối tác, khách hàng. Khách hàng khi hợp tác với doanh nghiệp tư nhân cũng hạn chế rủi ro hơn.
- Ít chịu sự ràng buộc của pháp luật. Vì chỉ có duy nhất một người đại diện theo pháp luật nên dễ dàng kiểm soát rủi ro.
Nhược điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân
- Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một cá nhân làm chủ, không có sự hợp tác góp vốn do đó khi cần nguồn vốn lớn để kinh doanh rất khó để đáp ứng.
- Vì chỉ có một người quản lý, quyết định mọi hoạt động kinh doanh do đó thường xảy ra quyết định một chiều, mang tính chủ quan, thiếu sự khách quan.
- Khó huy động vốn kinh doanh vì theo quy định doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất cứ loại chứng khoán nào.
- Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh, chủ doanh nghiệp tư nhân khác.
- Chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty.
- Vì không có tư cách pháp nhân nên chủ doanh nghiệp không được tự mình thực hiện một số giao dịch mà pháp luật quy định.
- Chủ sở hữu doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn bằng hoàn bộ tài sản của mình. Điều này đồng nghĩa với việc nếu tài sản công ty không đủ để thanh toán các khoản nợ, ngay cả khi tuyên bố phá sản chủ sở hữu cũng phải dùng tài sản riêng của mình để giải quyết các khoản nợ.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Khái niệm
- Công ty TNHH một thành viên cũng là một trong các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Đây là doanh nghiệp do một cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ sở hữu và chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty TNHH một thành viên có tư cách pháp nhân.
Ưu điểm công ty TNHH một thành viên
- Do một cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ nên có toàn quyền quyết định mọi hoạt động của công ty.
- Công ty TNHH một thành viên có tư cách pháp nhân nên được thừa nhận là một chủ thể pháp lý, được nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập.
- Chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty do đó hạn chế được rủi ro cho chủ sở hữu.
- Công ty TNHH một thành viên có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Nếu công ty do tổ chức làm chủ thì sẽ tổ chức theo mô hình Hội đồng thành viên.
- Chủ sở hữu công ty có toàn quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty.
- Vốn điều lệ của công ty có thể tăng bằng cách góp thêm vốn của chủ sở hữu, huy động thêm vốn đầu tư của tổ chức, cá nhân khác hoặc phát hành trái phiếu.
Nhược điểm công ty TNHH một thành viên
- So với doanh nghiệp tư nhân, hệ thống pháp luật điều chỉnh công ty TNHH một thành viên khắt khe hơn.
- Không được phát hành cổ phiếu.
- Trong trường hợp nếu huy động thêm vốn của tổ chức, cá nhân khác sẽ phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty cổ phần hoặc công ty TNHH hai thành viên trở lên.
3. Công ty cổ phần
Khái niệm
- Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp trong đó vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau (cổ phần). Người sở hữu cổ phần có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Công ty cổ phần phải có ít nhất 3 cổ đông và không giới hạn số lượng tối đa. Các cổ đông phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã đóng góp. Để huy động vốn, công ty cổ phần có thể phát hành cổ phiếu. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty cổ phần sẽ có tư cách pháp nhân.
Ưu điểm công ty cổ phần
So với các loại hình doanh nghiệp khác, công ty cổ phần sở hữu một số ưu điểm như:
- Mức độ rủi ro cho các cổ đông không cao vì cổ đông chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn về nợ cũng như các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp.
- Khả năng huy động vốn cao thông qua phát hành cổ phiếu.
- Phạm vi huy động vốn lớn, có thể trên toàn thế giới, số lượng cổ đông không giới hạn.
- Cổ đông có thể tự do mua bán, chuyển nhượng, thừa kế cổ phân thông qua việc mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
- Công ty cổ phần quy mô hoạt động lớn, có thể mở rộng kinh doanh trong mọi lĩnh vực.
- Nhờ sự độc lập giữa quản lý và sở hữu nên việc hoạt động của công ty đạt hiệu quả cao.
- Có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp nhờ được tính lương thưởng của các cổ đông góp vốn tại vị trí quản lý vào chi phí hoạt động công ty.
- Minh bạch trong quản lý, điều hành, mọi quyết đinh đều dựa trên việc thu thập ý kiến cổ đông.
Nhược điểm công ty cổ phần
- Số lượng cổ đông lớn do đó việc quản lý, điều hành công ty khá phức tạp.
- Khả năng bảo mật tài chính và kinh doanh hạn chế do phải báo cáo công khai với các cổ đông.
- Việc quản lý chế độ tài chính, kế toán của công ty cổ phần cũng phức tạp hơn.
4. Công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên
Khái niệm
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên là loại hình doanh nghiệp có từ 2 đến 50 thành viên là các cá nhân hoặc tổ chức. Các thành viên công ty phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp. Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty sẽ có tư cách pháp nhân.
Ưu điểm công ty TNHH từ hai thành viên trở lên
- Công ty TNHH từ hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân, doanh nghiệp được thừa nhận là một chủ thể pháp lý, có thể nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập.
- Thành viên công ty chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã đóng góp nên hạn chế được rủi ro.
- So với các loại hình doanh nghiệp khác, công ty TNHH từ hai thành viên trở lên có nhiều thành viên góp vốn nên có nhiều vốn hơn, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
- Khả năng quản lý toàn diện nhờ được sự đóng góp của các thành viên khác.
- Có thể tăng vốn điều lệ bằng cách tăng thêm vốn góp của thành viên hoặc tiếp nhận thêm vốn của thành viên mới hoặc thông qua phát hành trái phiếu.
- Chế độ chuyển nhượng và mua lại phần vốn góp được quy định chặt chẽ, tránh được tình trạng đối thủ hoặc người lạ muốn thâm nhập vào công ty.
Nhược điểm công ty TNHH từ hai thành viên trở lên
- Bị hạn chế số lượng thành viên, tối đa chỉ được 50 thành viên.
- Muốn tăng hoặc giảm vốn điều lệ phải thông báo với cơ quan Đăng ký kinh doanh.
- Cơ cấu tổ chức và hoạt động chịu sự quản lý chặt chẽ của pháp luật hơn so với công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
- Vì không được phát hành cổ phần nên việc huy động vốn cũng khó khăn hơn.
5. Công ty hợp danh
Khái niệm
- Khoản 1 điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Các thành viên hợp danh có thể thêm thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã đóng góp.
Ưu điểm công ty hợp danh
- Dễ dàng tạo được sự uy tin và tin cậy đối với khách hàng, đối tác kinh doanh.
- Số lượng thành viên ít nên việc quản lý, điều hành công ty không quá phức tạp.
- Thành viên hợp danh thường là cá nhân có uy tín nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cao.
- Dễ vay vốn và hoãn nợ từ ngân hàng do chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh.
- Cơ cấu và bộ máy quản lý gọn nhẹ.
- Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân.
Nhược điểm công ty hợp danh
- Mức độ rủi ro của các thành viên hợp danh cao do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn.
- Các thành viên hợp danh vừa là người đại diện theo pháp luật của công ty vừa là người tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh, do đó nếu xảy ra bất đồng ý kiến sẽ gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp.
- Việc huy động vốn khá hạn chế vì không được phát hành bất cứ loại chứng khoán nào.
- Thành viên hợp danh không được là chủ doanh nghiệp tư nhân, không được làm thành viên của bất cứ công ty hợp danh nào mà chưa được sự đồng thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
- Thành viên hợp danh rút khỏi công ty vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty hợp danh phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên trong thời hạn 2 năm.
- Không có sự phân biệt rõ giữa tài sản cá nhân và tài sản công ty do đó dù có tư cách pháp nhân thì công ty hợp danh cũng không được độc lập trong việc chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty.
Một số câu hỏi thường gặp
1. Nếu muốn thành lập công ty, tôi nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào?
Hiện nay, đối với các ngành nghề kinh doanh không có điều kiện đặc biệt, đa số người khởi nghiệp thành lập công ty sẽ lựa chọn một trong 3 loại hình là: công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên.
2. Các loại hình doanh nghiệp nào được phát hành cổ phiếu?
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp được phát hành cổ phiếu chỉ có duy nhất công ty cổ phần.
Trên đây là tổng hợp các loại hình doanh nghiệp hiện nay tại Việt Nam và ưu – nhược điểm của từng loại hình. Nếu bạn còn bất cứ băn khoăn nào về loại hình doanh nghiệp cũng như muốn được tư vấn về dịch vụ thành lập công ty, lập công ty cổ phần hay thủ tục thành lập công ty tnhh có thể liên hệ đội ngũ luật sư của Luật Tân Hoàng để được hỗ trợ chi tiết.
Bài viết liên quan khác
Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch đầu tư tại các quận huyện
Doanh Nghiệp Tư Nhân Là Gì? Tổng quan pháp lý về loại hình doanh nghiệp này
Doanh nghiệp nhà nước là gì vai trò và tầm quan trọng với nền kinh tế
Trách nhiệm pháp lý là gì? các đặc điểm và phân loại của nó
Điều kiện để được công nhận tư cách pháp nhân là gì?
Ý nghĩa và nội dung của ngày pháp luật việt nam 09/11
Mẫu hợp đồng lao động 2024 chuẩn theo Bộ luật Lao động mới nhất
Pháp lý doanh nghiệp là gì và tại sao nó quan trọng